Là chuyên gia có hơn 30 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực BHTG, xin ông cho biết quan điểm của mình về tổ chức BHTG hoạt động hiệu quả?
Việc đánh giá hệ thống BHTG có hiệu quả hay không tùy thuộc vào hoàn cảnh cụ thể của quốc gia đó cũng như tiến trình phát triển của quốc gia đó. Trên thế giới hiện nay có rất nhiều mô hình BHTG khác nhau, nhưng từ kinh nghiệm của chúng tôi qua các cuộc khủng hoảng tài chính vừa qua thì có thể thấy rằng, hệ thống BHTG hiệu quả là hệ thống BHTG có được năng lực cũng như có được quyền hạn đủ để có thể can thiệp vào cuộc khủng hoảng này. Một hệ thống BHTG hiệu quả cũng có nghĩa là nó phải có quyền hạn đủ để có thể đóng góp cho sự ổn định của hệ thống tài chính.
Đối với một hệ thống BHTG, chúng ta cần phải hiểu rõ bản chất của nó, cần phải nâng cao được nhận thức của công chúng về hệ thống BHTG. Hệ thống BHTG hiệu quả cũng có nghĩa người ta sẽ đặt ưu tiên là vai trò bảo vệ người gửi tiền lên trên tất cả những ưu tiên khác đối với hệ thống tài chính. Như vậy, có thể thấy, chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của tổ chức BHTG là rất rõ ràng. Đó là: Tổ chức BHTG phải có chức năng can thiệp sớm vào hoạt động của những tổ chức tham gia BHTG gặp vấn đề và xử lý đổ vỡ theo nguyên tắc chi phí tối thiểu. Điều tồi tệ nhất là ngân hàng hoạt động yếu kém và buộc phải đi đến phá sản, chi phí đóng cửa một ngân hàng như thế là rất lớn. Xin nhấn mạnh rằng, với 29 năm kinh nghiệm của tôi khi còn làm Tổng Giám đốc của BHTG Canada, đã từng đóng cửa và xử lý 43 ngân hàng tại Canada, thì vấn đề quan trọng nhất đặt ra đối với một tổ chức BHTG hiệu quả là họ cần phải có những quyền hạn đầy đủ và rõ ràng để can thiệp sớm vào những tổ chức tham gia BHTG. Sự can thiệp càng sớm bao nhiêu thì chi phí để giải quyết tổ chức bị đổ vỡ, phá sản càng giảm bớt bấy nhiêu. Và từ đó ảnh hưởng tới người gửi tiền cũng như công chúng là tối thiểu.
Vậy, nền tảng pháp lý đảm bảo cho hoạt động của tổ chức BHTG hiệu quả là gì, thưa ông?
Đầu tiên, phải có một hệ thống pháp lý ổn định và đảm bảo cho những hoạt động của tổ chức BHTG. Hệ thống pháp lý này phải chỉ rõ những chức năng, nhiệm vụ của tổ chức BHTG. Có một vấn đề ở nhiều quốc gia vẫn đang xảy ra, đó là mọi người không làm rõ và hiểu rõ về chức năng, nhiệm vụ và cơ chế hoạt động của tổ chức BHTG. Đồng thời, cần đặt tổ chức BHTG trong bối cảnh chung, đó là chức năng của Ngân hàng trung ương là gì, chức năng của Bộ Tài chính là gì, chức năng của BHTG là gì và mối quan hệ hợp tác giữa các cơ quan giám sát tài chính với nhau, làm thế nào để sự phối hợp giữa các cơ quan này thực sự hiệu quả. Các cơ quan giám sát tài chính không nên và cần tránh những công việc chồng chéo lẫn nhau. Và muốn tránh chồng chéo thì họ phải có sự hợp tác chặt chẽ với nhau. Nhìn vào cuộc khủng hoảng tài chính vừa rồi chúng ta thấy, quốc gia nào có hệ thống BHTG mạnh thì quốc gia đó cũng thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng này nhanh hơn, bởi vì xét cho cùng thì đó chính là “câu chuyện” về lòng tin đối với hệ thống tài chính.
Ông cũng cho rằng, nguyên tắc cao nhất đối với hoạt động của tổ chức BHTG hiệu quả chính là sự độc lập tương đối của tổ chức này so với các cơ quan quản lý Nhà nước. Xin ông cho biết cụ thể về nhận định này?
Là công cụ thực hiện chính sách công của Chính phủ, vì thế, về mặt tác nghiệp tổ chức BHTG phải được độc lập để mà đảm đương những trách nhiệm được giao phó. Dưới sự điều hành của tôi khi còn là Tổng Giám đốc BHTG Canada hay sau này phụ trách hệ thống BHTG của Malaysia, có thể nói, chúng tôi hoạt động hoàn toàn độc lập bởi lẽ chúng tôi có luật, có chức năng nhiệm vụ rõ ràng, có Hội đồng quản trị để thực hiện tất cả những công việc được giao. Hội đồng quản trị của BHTG Malaysia và Canada có rất nhiều quyền hạn, từ quyền hoạch định về ngân sách của tổ chức cho đến tất cả các vấn đề về mức phí như thế nào, chính sách ra làm sao... Đấy chính là minh chứng cho sự độc lập cần thiết của tổ chức BHTG. Mặt khác, tổ chức BHTG cần phải được độc lập để đảm bảo cho sự minh bạch, chính xác và đáng tin cậy của tổ chức này. Nói cách khác, cần có luật riêng cho hoạt động BHTG, như vậy tổ chức BHTG mới có thể đạt được mức độ độc lập nhất định trong hoạt động của nó.
Xin cảm ơn Ông!