Theo ông những tác động tiêu cực nào có thể xảy ra nếu như người dân không tin tưởng vào hệ thống tài chính ngân hàng?
Hệ thống tài chính, ngân hàng được coi là huyết mạch của nền kinh tế. Hệ thống đó bị "ốm yếu" thì toàn bộ nền kinh tế sẽ bị ảnh hưởng. Nếu người dân không tin tưởng vào hệ thống tài chính ngân hàng thì hệ thống đó coi như bị "ốm yếu". Bởi vì khi họ không tin tưởng thì sẽ dẫn đến hành động là có tiền tích lũy họ sẽ mua vàng và các hàng hoá khác. Xét trên từng cá nhân thì không ảnh hưởng nhiều nhưng xét trên toàn bộ nền kinh tế thì sẽ bị tác động nghiêm trọng. Nếu dân không gửi tiền tiết kiệm vào các ngân hàng thì đó là một điều tồi tệ đặc biệt là ở các quốc gia đang phát triển khi nhu cầu vốn đang rất cần. Thu hút được tiền gửi của dân cũng là một nhân tố quan trọng để phát huy nội lực của quốc gia.
Vậy để điều tồi tệ như trên Ông nói không xảy ra thì cần phải những yếu tố gì?
Xét dưới góc độ kinh tế thì có rất nhiều yều tố. Nhưng tất cả mọi thứ đều đưa về những vấn đề cốt lõi là tạo cho người dân một tâm lý yên tâm rằng hệ thống ngân hàng đang hoạt động an toàn, trong trường hợp xấu nhất xảy ra thì dân cũng không bị mất tiền gửi, ngân hàng là nơi gửi tiền vừa sinh lời, vừa an toàn.
Người dân ở nhiều quốc gia có thể yên tâm không khi trên thực tế họ đã chứng kiến nhiều ngân hàng bị đổ vỡ?
Sự đổ vỡ của một số ngân hàng cũng có những hiệu ứng tích cực loại bỏ những ngân hàng yếu kém ra khỏi hệ thống để hệ thống đó hoạt động hiệu quả hơn. Đó là một điều hết sức bình thường trong hoạt động kinh doanh. Nhưng điều đó không có nghĩa là người dân mất tin tưởng vào hệ thống ngân hàng vì tiền gửi của họ (bao gồm cả gốc và lãi) được đảm bảo bởi tổ chức Bảo hiểm tiền gửi. Trong thời kỳ khủng hoảng tài chính diễn ra nghiêm trọng nhất nhiều quốc gia đã tuyên bố nâng hạn mức chi trả tiền gửi được bảo hiểm hoặc bảo đảm toàn bộ tiền gửi cho dân để tạo niềm tin cho dân chúng đối với hệ thống tài chính ngân hàng.
Như ông đã nói thì việc nâng hạn mức chi tiền gửi và đề cao vai trò của tổ chức bảo hiểm tiền gửi đang là một sự ứng phó kịp thời để tránh gây tổn thương niềm tin của dân đối với hệ thống tài chính ngân hàng?
Đúng như vậy, thông thường chính sách bảo hiểm tiền gửi của các quốc gia được thiết kế để ứng phó với trạng thái "khỏe mạnh" của thị trường tài chính. Nhưng khi thị trường đó gặp vấn đề, thì chính sách BHTG cần phải có những thay đổi nhanh, kịp thời, phù hợp để tránh gây tổn hại niềm tin của dân. Bởi vì trong thực tiễn đã chứng minh, BHTG là một công cụ tài chính hữu hiệu để góp phần xử lý khủng hoảng tài chính. Đó là lý do tại sao có rất nhiều hệ thống bảo hiểm tiền gửi được thành lập sau thời kỳ khủng hoảng. Ở Việt Nam, tổ chức BHTG được thành lập vào năm 1999 khi mà niềm tin của dân chúng đối với hệ thống ngân hàng phần nào bị sói mòn khi một số Quỹ tín dụng nhân dân bị sụp đổ vào cuối những năm 1990 và một số người dân đã bị mất tiền gửi.
Tại Việt Nam, ông đánh giá thế nào về vai trò của tổ chức BHTG, đặc biệt trong thời kỳ khủng hoảng tài chính thế giới?
Trong những năm qua, BHTGVN đã góp phần quan trọng vào việc tạo dựng niềm tin của công chúng đối với hệ thống tài chính, ngân hàng. Tuy nhiên, so sánh với thông lệ quốc tế và điều kiện thực tiễn của Việt Nam, để BHTGVN phát huy hơn nữa vai trò thì việc hoàn thiện chính sách về BHTG hiện nay là một nhu cầu cần thiết và cấp bách, là đòi hỏi khách quan của nền kinh tế.
Do tác động của tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, rủi ro đối với các ngân hàng cũng như đối với người dân sẽ ngày càng gia tăng và ngày càng phức tạp. Bảo vệ, tạo dựng niềm tin cho dân đối với hệ thống tài chính ngân hàng là một trong những yêu cầu để đảm bảo an sinh xã hội. Yêu cầu cốt lõi đặt ra hiện nay là cần phải tạo dựng khung pháp lý phù hợp.
Theo thông lệ quốc tế, Luật BHTG thường được xây dựng trước khi ra đời tổ chức BHTG. Trong khi đó tại Việt Nam, mặc dù tổ chức BHTG đã đi vào hoạt động được gần 10 năm nhưng vẫn chưa có Luật BHTG điều chỉnh hoạt động này. Chính sách về bảo hiểm tiền gửi tại Việt Nam hiện nay đã thể hiện tính bất cập như hạn mức chi trả thấp, mô hình, chức năng nhiệm vụ chưa rõ ràng, tính độc lập của tổ chức BHTG chưa cao, cơ chế phối hợp giám sát chưa chặt chẽ, thông tin trao đổi giám sát chưa cập nhật, tiêu chí giám sát chưa có quy định cụ thể... Việc xây dựng một tổ chức BHTG phát triển đáp ứng yêu cầu mới hệ thống tài chính ngân hàng của nước ta cũng như theo thông lệ quốc tế là hạt nhân quan trọng phát triển niềm tin của công chúng đối với thị trường tài chính. Điều đó đòi hỏi Nhà nước cần phải hoàn thiện chính sách về BHTG thông qua việc xây dựng Luật về BHTG.